Cấp nước an toàn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

25/02/2018 Admin

Cấp nước an toàn là việc cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quy định. Bảo đảm cấp nước an toàn là những hoạt động nhằm giảm thiểu, loại bỏ, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng sử dụng nước.

I. Một số khái niệm

1. Cấp nước an toàn là việc cung cấp nước ổn định, duy trì đủ áp lực, liên tục, đủ lượng nước, đảm bảo chất lượng nước theo quy chuẩn quy định.

2. Bảo đảm cấp nước an toàn là những hoạt động nhằm giảm thiểu, loại bỏ, phòng ngừa các nguy cơ, rủi ro gây mất an toàn cấp nước từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ và phân phối đến khách hàng sử dụng nước.

3. Kế hoạch cấp nước an toàn là các nội dung cụ thể để triển khai thực hiện việc bảo đảm cấp nước an toàn.

II. Triển khai cấp nước an toàn ở Việt Nam

Thực hiện Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, ngày 31/12/2008, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-BXD về quy chế bảo đảm an toàn cấp nước. Kể từ ngày quyết định được ban hành cho đến nay đã gần 5 năm, quyết định này đã được các ngành đặc biệt được UBND các tỉnh, thành phố quan tâm và các đơn vị cấp nước các địa phương hưởng ứng và tổ chức triển khai thực hiện.

Việc ban hành quyết định số 16 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá cao và Việt Nam là một trong 8 nước khu vực Châu Á  ban hành một văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cấp nước an toàn và tổ chức triển khai thực hiện tại các đô thị trên quy mô cả nước. Quy trình thực hiện và nhiều nội dung phù hợp với hướng dẫn của Tổ Chức Y tế thế giới.

Sau gần 5 năm thực hiện, có thể khái quát những kết quả đã đạt được và những hạn chế như sau :

1. Về lập và phê duyệt xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn.

Cho đến nay hầu hết các đơn vị cấp nước đã lập Kế hoạch cấp nước an toàn và  phê duyệt theo quy định. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn giúp cho các đơn vị cấp nước chủ động kiểm soát từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đảm bảo nước sạch cung cấp cho người sử dụng đạt tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh.

Mặc dù về cơ bản nội dung của kế hoạch cấp nước an toàn theo Quyết định số 16 của Bộ Xây dựng phù hợp với hướng dẫn của WHO tuy nhiên, trong nội dung có lồng ghép giữa nội dung mang tính kỹ thuật và tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ thực hiện... là chưa hợp lý. Một số nội dung được quy định chưa mang tính luật hóa, vì vậy cũng cần được rà soát lại.

Quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn giao cho đơn vị cấp nước là chưa hợp lý và hiệu lực pháp lý không cao. Bởi vì, Kế hoạch cấp nước an toàn bao gồm từ bảo vệ nguồn nước đến hộ sử dụng.... và liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều ngành trong tỉnh. Theo đề nghị của nhiều địa phương Kế hoạch này phải được cơ quan hành chính phê duyệt mới có giá trị pháp lý vì vậy cần được nghiên cứu và sửa đổi.

2. Về tổ chức thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

a) Thành lập đội ngũ cấp nước an toàn.

Cho đến nay hầu hết các đơn vị cấp nước đã xây dựng đội ngũ cấp nước an toàn với trách nhiệm và quyền hạn cụ thể. Đội ngũ này do đơn vị cấp nước quyết định thành lập và hoạt động trong phạm vi do đơn vị cấp nước quản lý.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ chuyên môn cao trong các đơn vị chưa nhiều, đội ngũ cán bộ thực hiện cấp nước an toàn chưa chuyên nghiệp, chưa được tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo nâng cao và phần lớn là kiêm nhiệm nên việc tổ chức triển khai nhiệm vụ cấp nước an toàn chưa đồng bộ, hiệu quả.

 b) Ban chỉ đạo cấp nước an toàn cấp tỉnh.

Xuất phát từ yêu cầu của địa phương và tầm quan trọng của cấp nước an toàn, một số địa phương như Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa- Vũng tàu, Khánh Hòa, Bình Dương, Hải Dương ... đã thành lập Ban chỉ đạo về cấp nước an toàn do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, thành viên bao gồm các cơ quan chuyên môn (các Sở và tương đương ), đơn vị cấp nước. Sở Xây dựng là cơ quan thường trực.

Việc thành lập Ban chỉ đạo Cấp nước an toàn của các Tỉnh trên đã giúp việc chỉ đạo thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn đi vào nề nếp hơn, có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý về cấp nước trên địa bàn tỉnh. Nhờ có sự chỉ đạo thống nhất, các địa phương trên đã thu được những kết quả khả quan : Tỷ lệ thất thoát giảm nhiều so với tỷ lệ trung bình của cả nước, chất lượng nước được cải thiện, người dân của các tỉnh được hưởng lợi nhiều từ công tác quản lý này. 

Tuy nhiên, số lượng Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn mới chỉ có 6/63. Chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo chưa có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trên toàn quốc. Do vậy nhiều địa phương kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo cấp Tỉnh, trong đó cần quy định cụ thể nhiệm vụ, thành phần tham gia để thống nhất.

c) Thực hiện cấp nước an tòan.

Trong thời gian qua, WHO thông qua Hội Cấp, Thoát nước Việt Nam đã hỗ trợ, tài trợ các khóa đào tạo cho tất cả các đơn vị cấp nước trên toàn quốc về lập và triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn. Trên cơ sở triển khai thực hiện cấp nước an toàn, các đơn vị cấp nước tại các tỉnh như Thừa thiên Huế, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Dương, Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội đã nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả an tòan cho hệ thống cấp nước :

- Duy trì, đảm bảo ổn định, liên tục áp lực, lưu lượng, chất lượng nước đạt yêu cầu.

- Kiểm soát và giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, cũng như tăng cường được công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ nguồn đến các khách hàng sử dụng, xây dựng các biện pháp khắc phục, xử lý rủi ro, sự cố kịp thời...

- Tổ chức tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc tiết kiệm nước và bảo vệ nguồn nước, các Công ty cấp nước đã tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường, nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của nước sạch và bảo vệ môi trường, đã triển khai phối hợp với các Ban ngành địa phương liên quan để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tạo được niềm tin và sự đồng thuận lớn của cộng đồng.

- Việc nâng cao chất lượng nước uống và dịch vụ cấp nước là mục tiêu  của các đơn vị khi thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn. Cũng chính vì thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã công bố cấp nước an toàn tại Thành phố Huế và nước uống trực tiếp tại vòi vào năm 2008 và trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2009.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, những tác động tiềm ẩn của biến đổi khí hậu, nguồn nước thải, rác thải chưa được xử lý. Chất lượng nước thô giảm sút về chất lượng và lưu lượng do ô nhiễm ở thượng nguồn và nguy cơ nhiễm mặn tăng. Công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng ở một số địa phương chưa tốt, nên gây khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn công trình cấp nước như: bảo vệ, khắc phục sự cố, bảo trì hệ thống mạng. Hệ thống các tuyến ống đã cũ kĩ, rò rỉ ảnh hưởng đến chất lượng, an tòan cấp nước cho toàn bộ hệ thống.

e). Các quy định về trách nhiệm, cơ chế, chính sách trong Chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

- Mặc dù đã có quy định trong Quyết định số 16 nhưng trong nội dung đôi chỗ còn trùng lặp và chưa cụ thể về việc phân định trách nhiệm, quyền hạn mối quan hệ, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và với đơn vị cấp nước. Vì vậy, việc bổ sung và làm rõ trách nhiệm và quyền hạn sẽ giúp cho việc quản lý và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tốt hơn.

- Thiếu cơ chế phối hợp trong việc xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp, ô nhiễm tại điểm thu nước của công trình cấp nước với sự tham gia của các đơn vị liên quan trên địa bàn trong việc xử lý, khắc phục sự cố liên quan đến ô nhiễm nguồn nước như: Chính quyền đô thị , Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng cảnh sát Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ,  đơn vị cấp nước và người sử dụng nước.

- Chưa có chính sách khuyến khích đơn vị xây dựng và thực hiện cấp nước an toàn.

- Quy định chế tài đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định cấp nước an toàn. Công tác thanh tra, kiểm tra và chế tài xử phạt chưa kịp thời.

Mặc dù kết quả đạt được có ý nghĩa rất quan trọng nhưng những hạn chế có thể là nhỏ nhưng cũng tác động không nhỏ đến hiệu quả thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.

Để hoàn thiện văn bản pháp lý và nghiên cứu rà soát và bổ sung, sau khi tiếp nhận các ý kiến góp ý của các địa phương, các công ty cấp nước và các Bộ, ngành có liên quan, Cục Hạ tầng kỹ thuật đã trình Bộ ban hành thông tư số 08/2012’ Hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn’

III. Một số nội dung cơ bản của Thông tư 08/2012

1. Thống nhất giải thích thuật ngữ về cấp nước an toàn, bảo đảm an toàn cấp nước và kế hoạch cấp nước an toàn.

2. Hoàn thiện nội dung kế hoạch cấp nước an toàn

3. Xác định nguồn kinh phí để thực hiện cấp nước an toàn.

4. Quy định về thành lập Ban chỉ đạo cấp nước an toàn bao gồm: Thành viên, trách nhiệm, mối quan hệ làm việc và kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo.

5. Quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan đến bảo đảm cấp nước an toàn

6.Quy định về thanh, kiểm tra

Nội dung chi tiết có thể tìm trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.

IV. Kết luận

Cấp nước an toàn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tốn kém, tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng ta đã triển khai một cách có hiệu quả và đồng bộ đồng thời cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Hy vọng thông tư ra đời và có hiệu lực pháp lý giúp chúng ta tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả hơn góp phần bảo đảm an toàn cấp nước và nâng cao chất lượng sống của người dân./.

                                           PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến

                                  Cục trưởng, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng

Trích nguồn: Tạp chí Cấp Thoát Nước Online

Bài viết cùng chuyên mục